Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

PHONG THUỶ HỌC (PHẦN VI)

C/.Bàn trà:

Bàn trà là bàn để đặt ấm trà, ly tách uống trà; người ta còn gọi là Kỷ trà. Việc đặt bàn trà theo một số nguyên lý sau:
_ Chủ khách tương hợp: Theo Phong Thuỷ Học, salon là núi, bàn trà là nước hay là bờ cát bãi biển. Vì vậy, salon phải cao hơn bàn trà, tạo ra thế Sơn Thủy hữu tình. Đấy là một trong những cách làm cho chủ khách tương hợp, ăn ý với nhau.
_ Còn một ý tưởng nữa: Salon là chủ, Bàn trà là khách. Để có 1 quan hệ tốt đẹp, tốt nhất là đôi bên tương kính lẫn nhau. Hay nói cách khác: Không để khách lấn chủ, cũng không nên bố trí chủ lấn lướt khách. Đây là một điều rất tế nhị! Nếu chúng ta phải giao tế, tiếp xúc với một người khách rành về Phong Thuỷ, khi nhận thấy chúng ta bố trí salon & bàn trà theo thế chủ lấn khách như vậy, dù chúng ta có thân thiện, hòa nhã cách mấy, có lẽ ông khách ấy cũng thấy gút mắc. Nếu làm ngược lại, chúng ta chịu thiệt thì áp dụng Phong Thuỷ làm gì nữa?!
Salon cao quá là chủ đoạt khách.
Bàn trà quá rộng là khách lấn chủ.
Vậy chắc quý vị cũng biết phải chọn cho nhà mình một bộ salon & bàn trà thế nào cho hợp rồi
_ Khoảng cách: Không nên để salon và bàn trà xa quá hoặc gần quá, đều bất tiện, không hợp với Phong Thuỷ. Núi và nước, Sơn và Thủy là hữu tình nhưng nước sát vách núi là hình tượng xói mòn. Nếu gần quá, cũng tạo cảm giác thúc ép, bực bội. Để xa thì không tiện sử dụng. Thông thường, khoảng cách hợp lý là từ 2,2 tấc đến 2,5 tấc là vừa phải.
_ Hình dạng: Tránh các hình có các góc nhọn, góc cạnh

D/.Thảm trải Phòng Khách:

Ngày nay do điều kiện kinh tế thay đổi, nhiều nhà làm ăn khấm khá lên, mua đất cất nhà, và đã mời hẳn Kiến Trúc Sư trang trí nội thất cho mình. Trong điều kiện đó, không ít Kiến Trúc Sư đã bày cho gia chủ trải thảm ở Phòng khách, vừa đẹp vừa sang trọng, quý phái như ở nước ngoài vậy. Hỏi ai không thích nhà mình đẹ, sang?! Và thế là họ trải thảm một cách vô tội vạ. Người may mắn thì gặp Kiến Trúc Sư rành về Phong Thuỷ, người không may thì giao phó cho Kiến Trúc Sư phối màu gì cho... hợpnhãn thì phối (?!). Để giúp các anh chị, các bạn có thêm chút kinh nghiệm khi chọn thảm cho Phòng hách, NCD xin đưa ra một vài điểm sau:
1/.Tránh dùng thảm xanh rì như một đám cỏ:
Nhiều người cho rằng Mạng gia chủ màu này là thích hợp, hay màu này là phối hợp với màu tường là đẹp nhất...vv... Tôi không lạm bàn về màu sắc, bởi các Kiến Trúc Sư là chuyên gia vấn đề đó mà; tôi chỉ muốn nói rằng: dù có chọn màu xanh đó cũng không nên giống như một đám cỏ quá.
Trong lĩnh vực Phong Thuỷ dùng để trang trí, đa số là dùng biểu tượng, hình tượng, giống như cái này, giống như cái kia, hay những hình ảnh liên tưởng ra...vv.. Và cái "thảm cỏ xanh rì " kia khiến cho một số người có cảm giác như......1 nấm mồ xanh cỏ (!?). Nghe phi lý quá, nhưng một khi miệng thiên hạ đã cất lên rồi, một đồn mười, chục đồn trăm, thì...không cũng thành có! "Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết". Ta nên tránh là hơn.
2/.Đừng nên chọn màu u ám:
Nhìn vào một tấm thảm u ám, hay buồn tẻ, nhạt nhẻo khiến cho người ta thấy nhàm chán. Những gam màu này không thu hút khí sinh vượng, không tốt trong Phong Thuỷ. Nên chọn các gam màu sáng, màu tươi vui mắt như hồng, vàng kim....
3/.Tránh chọn chủ đề xấu:
Cũng như chọn tranh treo tường, chọn thảm cũng có một số nguyên tắc:
_ Không chọn thảm hoa hoè, nhìn vào gây nhức mắt.
_ Không nên chọn thảm không có gốc. "Vật bất ly kỳ tông" mà, nghĩa là không có nền tảng chung, phải có chủ đề làm nền.
_ Nên chọn thảm có màu sắc, cảnh vật, hình tượng.... ngụ ý tốt lành, sinh vượng. Vừa thích hợp với Phong Thuỷ, vừa có thẩm mỹ; tạo nên tâm lý thoải mái, hưng phấn cho người nhìn là hợp cách.

E/.Trần nhà:

Người Anh gọi là ceiling, người Trung Hoa gọi nó là Thiên Hoa, người Việt Nam ta gọi đơn giản là trần nhà. Về trần nhà có một số nguyên tắc sau:
1/.Hợp cao, không hợp thấp:
Thiên Hoa còn được gọi là Đỉnh Thiên Hoa. Chỉ nội cái tên cũng đủ nói lên yếu tố cần phải cao rồi.
Về mặt tâm lý, vào một cái nhà trần thấp, gây cho người ta cảm giác ngột ngạt, như khó thở hơn, tim đập nhanh; trần nhà cao làm người ta thấy tâm hồn mình khoảng khoát, cởi mở hơn.
Ngày nay, đa số các nhà đều đóng la-phông, không còn để lộ các xà ngang như trước. Tuy nhiên tôi cũng xin ghi ra đây để các anh chị, các bạn làm tài liệu tham khảo thêm. Ngày trước, khi gặp các nhà có Phòng khách bị các xà ngang ở giửa như thế, các nhà Phong Thuỷ khuyên gia chủ làm một cái Giả Thiên Hoa để hóa giải, vừa đẹp vừa hợp Phong Thuỷ. Nghĩa là tại các thanh xà đó, người ta dùng nẹp bọc nó lại, đóng thêm vào cho nó tạo thành hình vuông lõm ở giửa. Nếu từ dưới nhìn lên, ta luôn có cảm giác ngay đó như cao hơn, không còn cảm giác bị đè nặng nữa. Phần lõm đó, Phong Thuỷ gọi đó là Thiên Trì, là ao của Trời, tượng trưng cho Tài lộc của Trời ban cho vậy. Không những thế, các nhà Phong Thuỷ còn khuyên gia chủ thiết kế một hoa văn trang trí ngay giửa Thiên Trì, y như một cái chén vàng ngọc vậy, và xung quanh đó người ta trang trí bằng chùm đèn, và họ đặt cho nó cái tên là... Long Tĩnh! Ý nghĩa Thiên Hoa như có Rồng ẩn nấp, hoặc như có cái chén đựng vàng ngọc.... toàn là ý nghĩa tốt đẹp!
2/.Màu sắc:
Luôn luôn là màu sắc nhẹ và sáng hơn nền màu tường, hay sàn nhà. Và đa số người ta chọn màu Trắng tinh khôi, trắng của mây trắng lững lờ trôi.... "Hạc vàng đã tếch nơi đâu? Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay."_ (Thôi Hiệu)
3/.Ánh sáng:
Thiên Hoa tượng của Trời cao. Trời mà u ám là báo hiệu mưa gió, bão bùng không tốt. Nên trần nhà tối kỵ sự u ám và đen tối. Nếu một căn nhà tối tăm và u ám thì trần nhà làm sao sáng sủa được? Nhà tối ám sẽ sinh cảm giác ẩm thấp, là nơi sản sinh muỗi mòng, vi trùng.... sẽ sinh ra bệnh tật. Đây cũng là lý do vì sao trong Phong Thuỷ tối kỵ nhà ở u ám, tối tăm. Nên thắp đèn sáng trên trần nhà, cũng như thiết kế sao cho khi vào nhà ban ngày cũng đủ ánh sáng cho trần nhà. Bởi vì điều này, người ta hay dùng màu Trắng cho trần nhà tạo cảm giác sáng sủa hơn.

F/.Cửa Sổ Phòng Khách:

Trong Phong Thuỷ Học, cửa sổ Phòng khách cũng có một vị trí đặc biệt, ảnh hưởng đến tốt xấu của nhà & gia chủ. Nếu quá rộng thì khí sẽ thoát ra nhanh. Nếu quá hẹp thì khí khó thoát, sinh nóng nực, ngột ngạt. Thông thường, Cửa sổ thì có Bệ cửa, người xưa gọi nó là Song Đài, phần này chúng ta nói về nó.
1/. Vật trang trí:
Khi xây Bệ cửa sổ nên cố định, bằng phẳng, ngay ngắn. Những Bệ Cửa sổ thường là để các vật Trấn Yểm trong Phong Thuỷ, hay nói cách khác, nó như một tuyến phòng thủ của ngôi nhà vậy. Những Vật khí Phong Thuỷ nếu là con vật để trang trí ở đó, không nên xung khắc với tuổi chủ nhà. (ví dụ: Chủ nhà tuổi Tý thì không nên đặt các con vật như: rắn- Tị; dê- Mùi; ngựa- Ngọ; gà- Dậu; mèo, thỏ-Mẹo)
Những tượng con vật người ta hay dùng nhất khi Trấn Yểm ở Bệ Cửa sổ là: Rồng, Sư tử, Kỳ lân, Gà, Voi.... Hay những công cụ Hóa Sát khác như: Chuông gió kỳ lân, Chuông gió Bát Quái, Chuông gió kim loại- gỗ, Hồ lô, các xâu chuỗi Minh Chú, Chén Liên Hoa, Kim Tiền Ngũ Đế, Kim Nguyên Bảo.....vv... Nói chung rất là nhiều, mỗi trường hợp Hung Sát đều có cách hóa giải cả, và mỗi cách dùng vật Trấn Yểm khác nhau, tùy trường hợp mà sử dụng, xin đùng nên đặt bừa bãi sẽ phản tác dụng. Cẩn thận!
2/.Màu sắc:
Trước tiên ta nên chọn vật liệu chịu nhiệt, và không hấp thu nhiệt. Nếu không, để ngoài nắng nó sẽ mau hư, và nó hấp thụ nhiệt và làm cho Phòng khách nóng lên, không tốt. Về màu sắc cũng dùng như màu tường, cùng một nguyên tắc.
3/. Màn cửa:
Về màn cửa, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại, nhiều màu sắc, nhiều chất liệu, nhiều kiểu dáng, thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, khi chọn màn cửa cần lưu ý một số điểm sau:
Nếu cửa sổ nắng nhiều: Nên chọn màn dầy, màu sắc đậm.
Nếu cửa sổ ít nắng: Nên chọn màn mỏng và màu sáng hơn.
Nếu Cửa sổ đối diện Cửa Cái hoặc những Hung Sát bên ngoài, nếu không muốn dùng vật Trấn Yểm thì nên dùng loại cửa lá sách cố định, không mở ra, để che đi.
Tuyệt đối kỵ làm khung cửa Sổ hình chữ nhật rồi, bên trong lại làm cái cửa có hình vòm, hoặc cưa lộng thành hình vòm cho đẹp. Đây là điều ĐẠI KỴ trong kiến trúc CỬA, vì nó là biểu tượng giống như cái Bia mộ của người Trung Hoa.
Về màu sắc, vẫn lấy Màu sắc như của Bệ Cửa sổ làm nền, nhưng thêm các hoa văn, họa tiết cho không nhàm chán, nên chọn sự phối hợp sao cho tươi mắt, không loè loẹt là được

G/. Đường thông- Cửa thông:

Là nói đến đường thông suốt từ Phòng khách ra nhà sau, hay còn gọi là hành lang trong, và cánh cửa ngăn Phòng khách với các kiến trúc phía sau. Về đường thông, NCD chỉ góp vài ý nhỏ sau:
_ Tránh làm hẹp quá.
_ Tránh dẫn thẳng tới Cửa hậu hay Cửa sổ hậu.
_ Tránh dẫn thẳng tới 1 nhà vệ sinh.
_ Tránh tối tăm.
Đấy là đường thông, còn Cửa thông?
1/. Vì sao phải có cửa này?
Có một vài nguyên do:
_ Không ai muốn khách vào nhà có thể nhìn thấu ra sau nhà, soi mói chuyện riêng tư của họ, nên thiết kế cửa ngăn này là hợp lý.
_ Ngay từ ngàn xưa đến nay, đã có quá nhiều bài học trả giá bằng xương máu của các bậc tiền nhân, do việc bí mật bị tiết lộ do bàn bạc ở Phòng khách; tin tức rò rĩ có thể do người trong nhà nghe rồi vô tình tiết lộ, có thể do nội gián đối phương cài vào.... Trong thời đại hiện nay, khi mà tính cạnh tranh trên thị trường gay gắt, khốc liệt, thì việc bảo mật thông tin càng cần được xem trọng ("Sơ nhi bất lậu" mà). Như vậy, cánh cửa này càng cần phải có, và nó có thể ví như cánh cửa an toàn vậy.
_ Thường Phòng ngủ là nơi bề bộn, để khách không thấy sự luộm thuộm này, làm cửa thông là hợp lý nhất
Nếu chúng ta thiết kế Cửa thông đẹp, khéo, nó có thể góp phần tô điểm thêm cho Phòng khách chúng ta vậy.
2/. Tác dụng và những điều nên tránh:
Đường thông là đường nối từ Phòng khách ra nhà sau, nên nó có tác dụng dẫn khí vào nhà, giao lưu với khí trong nhà.
Khi Cửa Cái và Cửa thông, Cửa sổ hậu nằm trên một đường thẳng là một điều TỐI KỴ. Bởi Vượng Khí vào nhà sẽ theo Cửa sổ hậu kia nhanh chóng thoát ra mà không vào các phòng. Giống như tiền bạc chỉ đi qua mà không ghé vào, hao tổn tiền bạc.
Về mặt thiết kế, gió từ Cửa Cái vào nhà, xộc thẳng vào và nhanh chóng thoát ra Cửa sổ hậu, làm nhà rơi vào tình trạng "Lộng gió". Thơ xưa hay dùng hình ảnh gió vào phòng ngủ, thổi vào màn cửa, biểu hiện sự lả lơi, rạo rực xuân tình. Nhà thơ LÝ BẠCH đời ĐƯỜNG cũng nói: "Xuân phong bất tương thức. Hà sự nhập la vi?".... Cái "Xuân phong" ấy trong phòng ngủ vợ chồng còn có thể tạm chấp nhận, nhưng với những ai độc thân chẳng phải..... lạnh lẽo lắm ru? Tệ hơn nữa, là ngọn gió mùa làm cho người ta cảm thấy cô đơn chiếc bóng..."Gió Thu se lạnh chốn phòng không. Chiếc bóng mình ta mòn mõi trông...". Gió Xuân còn chịu được, gió Thu hiu hắt làm lòng người chớm lạnh. Đến gió Đông thì... chỉ gây bệnh cảm thôi.
Nếu Cửa Cái dẫn thẳng tới nhà Vệ sinh: Ngồi ở Phòng khách mà nhìn thấy nhà Vệ sinh là điều mất thẩm mỹ vô cùng, nó lại càng mất vệ sinh hơn khi gặp phải cảnh......"cuốn theo chiều gió" ngược. Trường hợp này xây Cửa ngăn cách là hợp lý nhất.
Khi thiết kế Cửa thông này nên tránh làm các kiểu có vẻ như bưng bít, gây cảm giác chật chội, ngột ngạt, Sinh Khí không vào nhà được. Tốt nhất nên có một khoảng kính để tạo cảm giác thoáng hơn, và cho Sinh Khí đi qua được.
TUYỆT ĐỐI TRÁNH kiểu mẩu như đã nói ở phần Cửa sổ: Giống bia mộ người Trung Hoa.
Tránh kiểu thiết kế đắp thêm hai trụ hai bên cửa, vừa thiếu sự thẩm mỹ (trông rất cheap) vừa gây cảm giác chật chội, tù túng.
ĐẠI KỴ làm hai trụ, rồi gọt đẽo hay đắp hai đầu trụ thành hai cục tròn (như cái đầu vậy) lại sơn màu trắng. Đây là dấu hiệu TANG CHẾ, tuyệt đối không nên dùng, ngay cả cho cột ở cổng rào.
Khi Phòng khách không có Cửa sổ người ta không nên làm Cửa thông, vì nó tạo ra hiện tượng Nghịch Thủy, Sinh Khí sẽ dội ngược trở lại.
Khi phòng khách chật hẹp, cũng không nên làm cửa thông, bởi nó chỉ gây thêm cảm giác tù túng.

H/.HỒ CÁ:


Nhiều người thích trang trí Phòng khách bằng hồ cá & thích nuôi cá. Phòng khách có hồ cá thì sinh động hơn, và những lúc rảnh rỗi, nhìn cá tung tăng bơi lội trong hồ cũng thấy tâm hồn mình thoải mái hơn, như nhẹ bớt những ưu phiền trong cuộc sống vậy.
Nói đến hồ cá là ta nghĩ ngay đến Nước, hành Thuỷ. Hành Thuỷ phải nói là một Hành.... rất khó chịu nhất trong Phong Thuỷ, vì theo Dịch, lý của quẻ Khảm là "hảm dã" mà. Nước mà đặt sai vị trí trong Phong Thuỷ thì rất nguy hiểm_ nhất là khi ta sử dụng Trạch vận và Phi Tinh theo Huyền Không, chỉ cần nơi Sơn tinh vượng mà có nước là chiêu tai hoạ liền tức thì (nhẹ thì hao tổn tiền bạc, phá sản, bệnh tật; nặng thì thương tật, chết người). Cho nên, việc nuôi cá kiểng trong nhà coi thế mà lại cả một vấn đề. NCD hôm nay chỉ xin góp vài ý kiến với các anh chị, các bạn về hồ cá đặt trong nhà:
_ Các anh chị, các bạn muốn nuôi bao nhiêu con tuỳ thích, nhưng theo NCD tôi thì nên chọn con số 9 con, hoặc bội số của số 9 đối với nuôi cá vàng-đỏ hay cá chép. Với cá Kim Long thì không nhất thiết, tuỳ khả năng và tuỳ nhà quý vị lớn nhỏ nữa. Nên nhớ, nhà nhỏ mà để hành Thuỷ nhiều quá là rất nguy hiểm.
_ Không nên để hồ cá quá cao, hồ không nên quá lớn so với phòng.
_ Không nên đặt hồ cá sau salon.
_ Không nên đặt hồ cá trong nhà Bếp.
_ Không nên đặt 3 tượng Tam Đa PHÚC- LỘC- THỌ hoặc Tài Bạch Tinh Quân trên hồ cá. Vì các vị Thần này tượng trưng cho việc ban Phúc, ban Tài Lộc, nay đặt trên hồ cá khác nào.. tiền của trôi theo giòng nước.
_ TUYỆT ĐỐI không nên để hồ cá dưới chân cầu thang.
_ ĐẠI KỴ để hồ cá ở bên phải của nhà, từ trong nhìn ra.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét